Sunday, January 16, 2011

Hướng dẫn sử dụng Atlat địa lý Việt Nam

I-/ Những vấn đề yêu cầu chung:
Atlat địa lý Việt Nam là một cuốn sách giáo khoa đối với học sinh trong khi học địa lý, nhằm giúp học sinh nhớ lại kiến thức đã học trong sách giáo khoa, để làm bài kiểm tra. Mặc khác, Atlat còn giúp học sinh biết khai thác trực tiếp kiến thức từ bản đồ, bổ sung và cập nhật kiến thức nhằm phân tích sâu hơn, tổng hợp tốt hơn.
Muốn đọc và phân tích Atlat tốt cần phải:
- Nắm được phương pháp thể hiện bản đồ sử dụng trong Atlat.
- Nắm được các ký hiệu trong chú giải của bản đồ.
- Nắm được mục đích yêu cầu khi đọc để tìm kiếm và rút ra các thông tin cần thiết, nhanh.
- Biết huy động kết hợp các kiến thức đã học trong sách giáo khoa hay tài liệu vào việc cắt nghĩa sự phát triển và phân bố của các hiện tượng địa lý cần tìm hiểu qua Atlat. Hoặc biết tìm ra mối liên hệ giữa các trang Atlat để khai thác một cách có hiệu quả nhất.
- Biết đọc Atlat theo trình tự khoa học:
1. Nắm được vấn đề chung nhất của trang Atlat.
2. Tìm ra các nội dung chủ yếu của trang.
3. Tìm ra mối liên hệ các trang Atlat để khai thác nội dung chủ yếu trên.
4. Phân tích và giải thích được nội dung chủ yếu trang Atlat.
5. Rút ra được các nhận xét chung.
- Biết cách trả lời có hiệu quả nhất.
1. Đọc kỹ đề để tìm ra yêu cầu chính của bài.
2. Tìm ra mối liên hệ liên quan của các yêu cầu trên với các trang Atlat.
3. Sử dụng dữ kiện nào để trả lời tốt các yêu cầu chính của đề bài: màu, ký hiệu, số liệu qua các biểu đồ-bản đồ, địa điểm phân bố, phân tích nhận xét, giải thích thông qua các yếu tố trên.

II-/ Đọc một bản đồ:
Trước hết phải đọc bảng chú giải. Cho phép ta nắm được chìa khoá để hiểu nội dung được thể hiện trên bản đồ. Không những thế, còn rút ra được các kiến thức nhất định có tính tổng quát.
Đọc bản đồ phải đi từ nhận định khái quát đến chi tiết.
Ví dụ: đọc bản đồ công nghiệp chung, trước hết cần thấy quy luật chung phân bố công nghiệp ở nước ta là:
1. Các trung tâm công nghiệp lớn và trung bình chủ yếu phân bố ở đồng bằng sông Hồng và phụ cận, Đông Nam Bộ, rải rác ở duyên hải miền Trung.
2. Các trung tâm công nghiệp lớn có cơ cấu ngành đa dạng, các trung tâm công nghiệp nhỏ thì có cơ cấu ngành đơn giản hơn, còn các điểm công nghiệp thậm chí chỉ có một hoặc hai ngành chủ yếu.
3. Sau đó đi sâu vào một số trung tâm công nghiệp, cơ cấu ngành của các trung tâm này…
Rèn luyện kỹ năng đọc bản đồ cần thiết đi từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao. Có thể qua 5 bước sau đây:
1. Rèn luyện kỹ năng nhận biết, chỉ và đọc tên các đối tượng địa lý trên bản đồ.
2. Rèn luyện kỹ năng xác định phương hướng, đo đạc tính toán trên bản đồ.
3. Rèn luyện kỹ năng xác định vị trí địa lý, mô tả từng yếu tố thành phần của tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính trị được biểu hiện trên bản đồ.
4. Rèn luyện kỹ năng xác định các mối liên hệ địa lý trên bản đồ.
5. Rèn luyện kỹ năng mô tả tổng hợp địa lý một khu vực, tức mô tả khu vực đó về nhiều mặt: vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, thực vật, động vật, dân cư, kinh tế.

III-/ Đọc một số bản đồ theo chủ đề cho trước:
Khi phân tích một vấn đề kinh tế-xã hội của một ngành hay một vùng trên cơ sở đọc và phân tích Atlat, trước hết phải căn cứ vào các kiến thức đã học trong sách giáo khoa về vấn đề liên quan để định hướng phân tích Atlat và biết chọn ra những bản đồ chính và những bản đồ bổ sung.
Trước hết, phải biết phân tích vị trí địa lý. Vị trí địa lý toán học thể hiện ở tọa độ địa lý của đối tượng địa lý trong không gian: kinh độ và vĩ độ. Đối với một số vùng cũng như nước ta nói chung, vị trí này có thể xác định bằng các điểm cực Bắc, cực Nam, cực Đông, cực Tây. Đối với vị trí theo điểm, ví dụ như thành phố, một trạm khí hậu thì bên cạnh kinh, vĩ độ cần xác địnhcả độ cao. Vị trí địa lý tự nhiên thể hiện ở quan hệ không gian giữa các đối tượng địa lý tự nhiên. Cần chú ý điều này nhất là khi phân tích ảnh hưởng địa hình đối với sự phân hóa khí hậu. Mặc khác, phải chú ý phân tích sâu vị trí địa lý kinh tế.
Sau đó, để phân tích các nguồn lực phát triển (tài nguyên thiên nhiên, dân cư và nguồn lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật) cần sử dụng bản đồ tương ứng về địa hình, địa chất-khoáng sản, đất, thực và động vật, dân cư và dân tộc và các bản đồ về ngành kinh tế. Chú ý quan hệ không gian giữa các yếu tố đọc được từ từ bản đồ riêng lẻ (ta thường gọi là chồng xếp bản đồ).
Cuối cùng, các bản đồ kinh tế tương ứng sẽ cho biết hiện trạng phân bố của ngành kinh tế (toàn ngành hay trong vùng nói riêng). Còn các biểu đồ có thể cho biết về cơ cấu hay động thái phát triển của toàn ngành.

IV-/ Viết báo cáo về một ngành hay một vùng trên cơ sở phân tích Atlat và bảng số liệu:
Là một dạng bài tập tổng hợp các kiến thức cơ bản và lỹ năng đã nêu ở phần trên. Các bản đồ là cơ sở để phát triển các kiến thức cơ bản về các nguồn lực phát triển, hiện trạng phân bố, còn các bảng số liệu sẽ cho biết thêm về ý nghĩa của vùng trong cả nước, của ngành trong cơ cấu kinh tế, cũng như về hiện trạng phát triển của vùng hay của ngành.

Địa Lý - Các vùng kinh tế Việt Nam

Hệ thống vùng kinh tế của mỗi quốc gia được hình thành một cách khách quan. Do đặc điểm địa hình kéo dài từ Bắc tới Nam nên nước ta có các vùng địa lý rất khác nhau về điều kiện tự nhiên: đất đai, thời tiết, khí hậu cũng như tài nguyên thiên nhiên và địa hình. Dựa trên các cơ sở điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, có thể phân định ra những vùng khác nhau và hợp lý như thế nào đó để có thể vừa khai thác tốt nhất tiềm năng của từng vùng, vừa giúp tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng kinh tế. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tất cả các vùng, tạo điều kiện nâng cao mức sống của toàn dân và nhanh chóng đạt được sự công bằng xã hội trong cả nước. ở Việt Nam phân chia theo 61 tỉnh thành phố, 8 vùng lãnh thổ. Hệ thống vùng kinh tế ở Việt Nam là:
1. Vùng Đông Bắc
Vùng Đông Bắc là vùng miền Núi Bắc Bộ, gồm các tỉnh sau: Hà Giang , Tuyên Quang, Cao Bằng , Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh
2. Vùng Tây Bắc
Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh sau: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu
3. Vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng Đồng Bằng Sông Hồng gồm các tỉnh sau: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình
4. Vùng Bắc Trung Bộ
Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh sau: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
5. Vùng Duyên hải miền Trung
Vùng Duyên hải miền Trung gồm các tỉnh sau: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
6. Vùng Tây Nguyên
Vùng Tây nguyên gồm các tỉnh sau: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng
7. Vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh sau: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu .
8. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long gồm các tỉnh sau: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vình Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 comments: on "Hướng dẫn sử dụng Atlat địa lý Việt Nam"

Post a Comment